Saturday, August 1, 2015

Xu hướng mới của thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2015

Năm 2014 ngành thương mại điện tử Việt Nam có 5 điểm nhấn sau:

1.Các công ty nước ngoài liên tục “rót tiền” khai thác thị trường trong nước
Rocket Internet (công ty chủ quản Lazada.vn – Zalora.vn – Lamido.vn) và 701Search (công ty chủ quản ChoTot.vn) là hai gương mặt đại diện nổi bật của làn sóng các công ty nước ngoài liên tục chi trả mạnh tay cho các hoạt động marketing, khai thác và phát triển thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Độ phủ rộng của Lazada.vn và ChoTot.vn trên tất cả các kênh, từ digital đến TVC quảng cáo trên tivi, kết hợp cùng các hoạt động offline bên ngoài, cho thấy quyết tâm chinh phục thị trường Việt Nam của các công ty đầy tham vọng này.

Điều này mang đến tín hiệu có hai chiều khác nhau với TMĐT trong nước: về mặt tích cực, các công ty nước ngoài có nguồn vốn lớn và vững mạnh đủ để tạo niềm tin và tạo ra thói quen tiêu dùng trực tuyếncho người tiêu dùng Việt Nam; về mặt hạn chế, các công ty TMĐT trong nước phải chấp nhận một cuộc chơi lớn với mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều lần so với trước đây.
2.“Ông lớn” trong nước: người phấn khởi chiến đấu, người lặng lẽ từ bỏ TMĐT
2014 cũng là năm chứng kiến hình ảnh đối nghịch thú vị của các “ông lớn” Internet Việt Nam đối với thương mại điện tử. Những tưởng có lượng người dùng lớn, số lượng người dùng chi trả vào dịch vụ game không nhỏ, hệ thống thẻ cũng như nhiều kênh truyền thông nội bộ lớn mạnh,… là những điểm có thể khiến cho VNG tự tin hơn trong lĩnh vực khó khăn này. Trong năm 2013 và 2014, VNG đã có quyết định đóng cửa Zing Deal, ngưng hoạt động 123.vn, và cuối cùng là bán sản phẩm 123mua.vn cho Sendo.vn, giải tán bộ phận thương mại điện tử và chỉ giữ lại cổng thanh toán 123Pay. Có lẽ, sau một thời gian thử sức với TMĐT, VNG đã nhận ra phải quay trở lại phát triển sản phẩm cốt lõi dựa trên nền tảng mạng xã hội kết hợp cùng game, định hướng công ty trong tương lai tiến đến nền tảng di động.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sen Đỏ, trực thuộc tập đoàn FPT, công ty chủ quản Sendo.vn lại có cái nhìn lạc quan hơn với TMĐT. Công ty Cổ phần Sen Đỏ mua lại 123mua.vn, giữ website hoạt động độc lập nhưng sáp nhập hoạt động nội bộ vào Sendo.vn là một tin gây xôn xao trong giới. Những ngày cuối năm 2014, Sen Đỏ lại tiếp tục đón nhận tin vui khi công bố thông tin đầu tư chiến lược bởi 3 tập đoàn Nhật Bản. Tuy tổng số tiền đầu tư không quá lớn nếu so sánh với lượng tiền mà Rocket Internet và 701Search đã bỏ ra trong những năm qua tại Việt Nam, thế nhưng Sen Đỏ tận dụng được nhiều lợi thế từ tập đoàn FPT: các kênh phương tiện truyền thông uy tín với lượng độc giả khổng lồ, hệ thống quảng cáo thông minh, nền tảng công nghệ vững mạnh được tích luỹ qua nhiều năm kinh nghiệm phát triển sản phẩm cho nước ngoài.
Công ty Cổ phần VCCorp cũng đã bắt đầu tái cấu trúc nội bộ, quyết định đầu tư mạnh cho lĩnh vực TMĐT trong nửa cuối năm 2014 và năm 2015; sẽ phát triển kinh doanh TMĐT theo một cách riêng, không theo trào lưu mà các đơn vị khác đang theo đuổi, đặt tên dự án TMĐT là Zamba. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Quảng cáo Trực tuyến 24h cũng bắt đầu gia nhập sân chơi chung trong thầm lặng với sản phẩm Deca.vn.
3.VinGroup đầu tư mạnh vào ngành với dự án VinECom
Cái tên VinECom đã trở thành tâm điểm của dư luận trong và ngoài ngành TMĐT khi đó là dự án được đầu tư bởi tập đoàn VinGroup, một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Theo một vài nguồn tin không chính thức, tổng số tiền mà VinGroup đầu tư vào dự án này lên đến 50 triệu đô-la, tham vọng chinh phục vị trí số 1 trong thời gian ngắn nhất sau khi ra mắt.
Tuy nhiên cho đến nay, đã gần tròn một năm kể từ bắt đầu dự án VinECom, những sản phẩm nào sẽ được chào sân vẫn còn là một ẩn số lớn. Chưa kể đến liên tục các tin đồn về sự không rõ ràng trong cơ chế quản lý, tuyển dụng người tài ồ ạt nhưng không tận dụng được nguồn nhân lực đó, dẫn đến chuyện tuyển dụng và sa thải liên tục, loay hoay khi đưa ra chiến lược sản phẩm và kinh doanh,… dần dà, những tin tức về VinECom bỗng trở nên quá nhàm đối với người trong ngành.
4.Smartlink góp phần tăng giao dịch thanh toán trực tuyến bằng thẻ ATM nội địa
Trong khi các công ty tư nhân hoạt động theo mô hình ví điện tử có vẻ đang phải chờ đợi giấy phép hoạt động chính thức sau thời gian thử nghiệm, thì Công ty Cổ phần Dịch vụ Thẻ Smartlink – đơn vị chuyển mạch thẻ uy tín và là cổng thanh toán trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam được thành lập từ năm 2007 bởi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và 15 Ngân hàng TMCP khác, đã và đang liên tục triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ nhằm khuyến khích người dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến hiện đại và tiện lợi qua các kênh giao dịch điện tử của ngân hàng: từ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 qua số thẻ hoặc số tài khoản thông qua hệ thống Smartlink, đến đặt mua và thanh toán vé máy bay nội địa và quốc tế của các hãng hàng không, đặt phòng khách sạn, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện tử cho dịch vụ viễn thông, thanh toán dịch vụ bảo hiểm, thanh toán hàng hóa dịch vụ tại gần 200 websitebán hàng trực tuyến… Với hệ thống Smartlink, người dùng có thể dễ dàng sử dụng thẻ ATM nội địa để thực hiện mua sắm và thanh toán hàng hóa, dịch vụ trên mạng. Smartlink đang từng bước góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt trong cộng đồng dân cư.
5.Bộ Công thương có nhiều động thái tích cực khuyến khích phát triển TMĐT
Cục Thương mại điện tử trực thuộc Bộ Công thương trong năm qua đã có nhiều động thái tích cực khuyến khích các doanh nghiệp phát triển TMĐT dưới nhiều hình thức khác nhau. Các buổi hướng dẫn thông tin về luật, chia sẻ cách thức đăng ký hoạt động TMĐT ngày càng được nhân rộng không chỉ đến với doanh nghiệp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM mà còn được phổ biến rộng rãi đến các tỉnh thành lân cận.
Ngoài ra, chương trình Online Friday – ngày mua sắm trực tuyến 2014 do Cục TMĐT phối hợp cùng Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức đã thu hút sự quan tâm từ cộng đồng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Cục TMĐT và Hiệp hội TMĐT Việt Nam còn cởi mở đón nhận ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp TMĐT cũng như người tiêu dùng nhằm hướng đến một môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh.
Theo VnExpress.net – 5 xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động tại Việt Nam trong năm 2015 là
1.Dịch vụ thương mại trên di động
Đối với hoạt động bán hàng B2C (từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng), trong tổng số truy cập đến website doanh nghiệp, có 28% đến từ các thiết bị di động. Tuy nhiên người dùng di động để mua hàng chiếm tỷ lệ thấp hơn (13%) so với việc mua hàng qua các thiết bị khác.

Sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng di động cho phép khách hàng xem, liên hệ và mua bán ngay trên thiết bị cầm tay.
Theo đánh giá của VECITA, thương mại điện tử trên nền tảng di động đang dần thâm nhập lĩnh vực bán lẻ. Các thiết bị như smartphone, máy tính bảng từ chỗ là phương tiện để khách hàng xem thông tin và liên lạc, chuyển sang vai trò tương tác giữa nhà bán lẻ và người dùng. Vấn đề đối với các nhà bán lẻ là giải quyết bài toán công nghệ và dịch vụ thương mại cốt lõi.
Một mô hình đang phổ biến là sàn giao dịch thương mại điện tử cũng đang chuyển mình để đầu tư vào nền tảng di động. Có lợi thế nhất hiện nay là các sàn thương mại lớn, sẵn có tập khách hàng lớn và chỉ cần phát triển giải pháp di động bên cạnh nền tảng web. Trong khi đó, nhóm các doanh nghiệp mới tham gia chọn cách giải quyết bài toán công nghệ, tạo ra nền tảng ứng dụng tốt rồi mới xây dựng cộng đồng người bán - mua.
2.Dịch vụ ngân hàng - thanh toán trên di động
Thanh toán trực tuyến trên nền tảng di động tại Việt Nam có tiềm năng phát triển, do có 45% người dùng có nhu cầu chuyển tiền theo khảo sát của Ericsson năm 2014. Ngoài ra, ngày càng nhiều người quan tâm và muốn tìm hiểu các tiện ích thanh toán qua di động. Tiềm năng của lĩnh vực này lớn. Cũng theo khảo sát của Ericsson, 10% số người được hỏi cho biết họ mong muốn thử thanh toán qua di động và mới có 1% trong số đó thực sự từng trải nghiệm dịch vụ. Đối với những người từng thanh toán qua di động, đa số họ dùng cho hai mục đích chính là trả hóa đơn và chuyển tiền.

19% số người được hỏi cho biết họ đã nghe về thanh toán trên nền tảng di động và 1% cho biết đã từng sử dụng dịch vụ, theo khảo sát của Ericsson năm 2014.
Trước làn sóng ngân hàng điện tử toàn cầu, dịch vụ ngân hàng trên di động cũng hứa hẹn sẽ phát triển nhanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Tính đến năm 2014, có 31 ngân hàng Việt Nam triển khai dịch vụ này, theo khảo sát của Asean Bank Forum.
3.Dịch vụ tương tác trên di động
Một trong số những dịch vụ tương tác trên di động đang phát triển nhanh ở Việt Nam là đặt chỗ taxi qua di động, với sự tham gia chủ yếu của các doanh nghiệp ngoại như Uber, Grabtaxi và Easytaxi. Trong đó, Grab và Easy kết nối các hãng taxi truyền thống với khách hàng qua thiết bị di động, còn Uber kết nối giữa lái xe nói chung và hành khách với nhau. Mặc dù mới xuất hiện, dịch vụ trên đã có lượng khách hàng thường xuyên tương đối, cạnh tranh với dịch vụ taxi truyền thống. Khảo sát của SocialHeart cho thấy tại Việt Nam, Grabtaxi đang chiếm thị phần lớn nhất.

VECITA dự báo 2015 sẽ là năm sôi động với thị trường dịch vụ taxi. Bên cạnh việc khách hàng được hưởng dịch vụ tốt hơn, năm nay sẽ có thể xuất hiện thêm doanh nghiệp Việt tham gia vào thị trường tiềm năng này.
Ngoài ra, một dịch vụ tương tác khác trên di động đang dần nở rộ là ứng dụng mobile cung cấp voucher, coupon, thẻ thành viên cho người tiêu dùng. Khảo sát của VECITA cho thấy 62% số người được hiểu cho biết họ quan tâm đến ứng dụng dạng này. Bên cạnh những công ty mua theo nhóm đã quen mặt với thị trường voucher, các nhà sản xuất thiết bị di động nhảy vào cuộc chơi như Samsung, Microsoft tung ứng dụng mã giảm giá trên các dòng điện thoại của họ tại Việt Nam.
4.Dịch vụ nội dung số trên thiết bị di động
Dịch vụ nội dung số trên di động tại Việt Nam được triển khai theo hai mô hình chính là trả phí trực tiếp cho từng nội dung và đăng ký thuê bao để sử dụng. Hình thức thứ nhất đã phổ biến từ lâu như tải nhạc chuông, nhạc chờ, hoặc tải trực tiếp từ Internet. Khảo sát của VECITA cho thấy phần đông người tiêu dùng không có tâm lý sẵn sàng trả tiền mua các ứng dụng trả tiền để sử dụng, mà thay vào đó sử dụng phần mềm sẵn có hoặc bất hợp pháp.

Tuy nhiên, ở hình thức thứ hai cho phép người dùng thanh toán định kỳ để đăng ký thuê bao và sử dụng dịch vụ, đã có nhiều người cho biết họ sẵn sàng trả phí. Trên 20% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng trả tiền để xem phim trực tuyến trên di động, cũng theo khảo sát mới nhất của VECITA.
5.Ứng dụng, trò chơi trên di động
Doanh nghiệp phát triển ứng dụng tại Việt Nam đang chú trọng đến phát triển mảng trò chơi nhiều hơn thay vì các ứng dụng thông thường. Số lượng trò chơi trên các chợ ứng dụng tại Việt Nam hiện ở trên con số 10.000, trong khi số lượng ứng dụng khác khoảng 2.000. Trò chơi di động cũng là ứng dụng đem lại lợi nhuận nhiều nhất cho các doanh nghiệp, với doanh thu chiếm 60% trên tổng doanh thu từ ứng dụng di động.

Biểu đồ tăng trưởng của thị trường trò chơi di động. Đơn vị: triệu USD.
Theo khảo sát của APPOTA, năm 2014 thị trường trò chơi di động tại Việt Nam đạt doanh thu 210 triệu USD, tăng 75% so với 2013. Tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm dần và đạt mức 410 triệu USD vào năm 2017.
Một trong những trò chơi thành công tiêu biểu năm 2014 là Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông. Một số nhà đánh giá quốc tế cho rằng trò chơi này đã mang lại 3 triệu USD cho Nguyễn Hà Đông dù tác giả đã tự rút trò chơi khỏi kho ứng dụng chỉ sau khoảng một năm kể từ ngày cho ra mắt.
Telepay Editor

0 comments:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Powerade Coupons