Kinh doanh thương mại điện tử như tập thái cực quyền. Nếu nôn nóng, đòi
đánh nhanh, mạnh ngay từ đầu, rất có thể "tiền tấn cũng đi" - chuyên gia
nhận định.
2015 là năm khó khăn của TMĐT Việt Nam. Thị trường có khá nhiều biến
động, liên tiếp đón nhận tin buồn với sự ra đi của nhiều hệ thống đình
đám như beyeu, deca, cucre hay sự sang tên đổi chủ của Foodpanda,
123mua. Thất bại vì không đủ lực để "đốt tiền"?
Coi vốn là yếu tố tiên quyết để thành công, đại diện một hệ thống TMĐT có doanh thu top đầu thị trường từ năm 2013 cho rằng, việc tung vốn khủng mà nhanh chóng chiếm lĩnh được thị phần thì cũng đáng.
Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia TMĐT tại Việt Nam. Như cách nói của ông Nguyễn Hòa Bình, TGĐ Peacesoft: "Khách Việt vốn rất linh hoạt trong lựa chọn kênh mua sắm. Rẻ thì họ tới, đắt họ lại đi. Vậy tung tiền trợ giá để hút khách, chiếm thị phần rồi tới khi hết tiền thì sẽ làm gì?".
Thông điệp để lại khi rút lui khỏi thị trường của dự án beyeu. Ảnh chụp màn hình. |
Nguyễn Ngọc Linh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Giá một bịch bỉm của Nhật bán tại siêu thị là 360.000 đồng. Nhưng nhờ có mã giảm giá mua hàng trực tuyến, tôi tiết kiệm được 100.000 đồng/bịch. Rẻ như vậy, ai chả thích".
Chỉ ra bản chất của chiêu khuyến mại này là tung tiền trợ giá khách hàng, một chuyên gia TMĐT cho rằng, cách làm này tương tự mô hình groupon (mua chung nhận ưu đãi). Tuy nhiên, đây là mô hình kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những dự án không trường và mạnh vốn để "ôm hàng".
Đầu tháng 11, beyeu, một dự án lớn của Project Lana liên kết với webtretho rời đường đua. Nhóm triển khai để lại thông điệp gây ám ảnh: "Ecommerce requires lots of money. Many companies will decide to stop burning. Good luck to the rest who are still trying" (Tạm dịch: Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng).
Thu về hiệu ứng tốt từ khách hàng sau hơn 1 năm hoạt động nhưng đúng ngày tất niên, deca bất ngờ nối gót beyeu, tuyên bố đóng cửa. Bất chấp lời phủ nhận thông tin rút lui vì thiếu vốn của đại diện deca, nhiều chuyên gia trong giới vẫn cho rằng, nguyên nhân 24H khai tử website này không nằm ngoài chuyện tiền nong. "Liên tục rút máu như vậy chẳng mấy mà kiệt sức", đại diện một sàn TMĐT nhận xét.
24H khai tử deca đúng ngày tất niên, phủ nhận thông tin đóng cửa vì thiếu vốn. Ảnh chụp màn hình. |
Chung quan điểm này, một số chuyên gia TMĐT dẫn chứng, ngay cả những ông lớn như Lazada, đã vào Việt Nam nhiều năm song hiện tại, vẫn đang phải bù lỗ vài chục triệu USD mỗi năm tại thị trường này. Số lỗ được cho rằng lớn gấp nhiều lần hầu hết các dự án TMĐT mới nổi trong nước gộp lại.
"Nhiều ông lớn như Rocket (Đức) với 2 sản phẩm là Lazada và Zalora có thể gặt hái thành công tại nhiều thị trường quốc tế nhưng khi vào Việt Nam lại không suôn sẻ. Ngay cả với đại gia trong nước như Vin Group, có thể thành công ở nhiều mảng kinh doanh nhưng tay ngang vào TMĐT thì cũng chưa biết thế nào. Vậy mới nói, trong mảng này, vốn là cần thiết nhưng không phải yếu tố quyết định", CEO Peacesoft Nguyễn Hòa Bình.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối Zamba của VC Corp cho rằng, việc tiếp tục hay kết thúc một dự án TMĐT đôi khi chỉ là do chiến lược khác nhau của mỗi công ty. "Một số công ty đóng cửa là do cảm thấy mục tiêu đặt ra không đạt đúng như kỳ vọng trước đó mặc dù tài chính vẫn còn. Việc họ quyết định ngừng kinh doanh cũng không có gì ngạc nhiên".
Thành công cần sự dẻo dai
Là những doanh nghiệp tiên phong khai thác thị trường TMĐT Việt Nam, cả Vật Giá, Peacesoft và VC Corp đều đã đạt tới giai đoạn phát triển bền vững. Năm 2015, Vật Giá đạt mức tăng trưởng 50%, con số này được ông Điệp dự tính sẽ tăng lên 200% vào năm 2016. Chưa thể chia sẻ doanh số cụ thể, song, CEO Peacesoft cũng khẳng định, Peacesoft nằm ngoài khó khăn chung của thị trường trong năm qua và sẽ tăng trưởng mạnh vào năm tới.
Chia sẻ kinh nghiệm "vượt khó", cả 3 ông lớn đều cho rằng, yếu tố cần nhất để thành công với TMĐT ở Việt Nam là sự dẻo dai, khả năng nắm bắt cơ hội và thích nghi tốt với môi trường.
Năm 2014, tổng doanh thu trên sàn TMĐT đạt 1.662 tỷ đồng,
trong đó, doanh thu của 10 sàn giao dịch TMĐT dẫn đầu chiếm đến 75%.
Nguồn: VECITA. |
"Ngay cả việc triển khai nhiều chương trình giảm giá sâu cho khách hàng, nếu không có chiến lược dài hạn thì sẽ rất mệt", cha đẻ của Vật Giá cho biết.
Cho rằng người tồn tại cuối cùng là người chiến thắng, CEO Peacesoft dẫn chứng, nhiều dự án như nhommua, được rót vốn mạnh nhưng cũng chỉ tồn tại trong khoảng 2 năm. Việc thành hay bại của một dự án, theo ông, đến từ rất nhiều yếu tố như vốn, con người, thời điểm và độ trải nghiệm thị trường.
Xác định đầu tư vào lĩnh vực TMĐT là đi đường trường, giám đốc Zamba cho đây không phải là dự án kinh doanh có thể sinh lời ngay lập tức hay trong ngắn hạn được. Theo ông, một công ty TMĐT phải chịu lỗ ít nhất là 5 năm, chờ sự chuyển biến của thị trường và định hướng được hành vi khách hàng thì mới mong hoạt động hiệu quả. "Nếu xác định làm mà chết thì chẳng ai dám làm. Những đơn vị còn làm TMĐT là vì họ có niềm tin vào tương lai, một xu thế tất yếu sẽ diễn ra", chuyên gia này chia sẻ.
Nhận định thị trường năm 2016, các chuyên gia TMĐT chung quan điểm, thị trường sẽ thu gọn hơn, tiếp tục có nhiều dự án dừng lại. Với Peacesoft hay Vật Giá, việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dịch vụ hỗ trợ như thanh toán, giao vận, hình thành hệ sinh thái các sản phẩm TMĐT được cho là hướng đi phát triển bền vững.
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Tuấn, bí quyết để thành công tại Việt Nam vẫn là công thức quen thuộc: chọn thị trường ngách để đi sau đó mở rộng dần, đầu tư cho chất lượng dịch vụ hơn là giá thành sản phẩm.
"Trong cuộc chơi, không cần biết cách của anh ra sao, chỉ cần là người tồn tại cuối cùng, anh sẽ chiến thắng", Nguyễn Hòa Bình đúc kết.
0 comments:
Post a Comment