Wednesday, September 9, 2015

8 bí quyết tiếp thị số dành cho doanh nghiệp mới


8 bí quyết tiếp thị số dành cho doanh nghiệp mới

Bạn mới khởi nghiệp và muốn càng nhiều người biết về thương hiệu của mình càng tốt. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ bạn không chỉ phải cạnh tranh với những đối thủ cùng ngành mà phải vượt qua hàng hàng triệu tin nhắn tiếp thị khác đang "dội bom" người tiêu dùng mỗi ngày. Trong khi đó, là doanh nghiệp mới, bạn chẳng có nhiều tiền để mạnh tay đầu tư cho marketing số. Bạn phải làm sao đây?
tiếp thị số
Thật may là bạn có thể sử dụng 8 mẹo cực kỳ hiệu quả dưới đây để làm marketing với số tiền rất ít hoặc không mất tiền.

Mạng xã hội
Truyền thông xã hội là một trong những cách hiệu quả mà lại rẻ tiền nhất để bạn tiếp thị cho doanh nghiệp của bạn. Ngoài việc nâng tầm thương hiệu của bạn, truyền thông xã hội còn là phương tiện để bạn quảng bá sản phẩm và cải thiện dịch vụ khách hàng.  
1. Liên tục và nhất quán: Truyền thông xã hội là một cách để bạn tạo được tiếng nói cho thương hiệu của bạn, vì thế, bạn phải thường xuyên cập nhật thông tin và nội dung đưa lên phải hướng đến một bản sắc riêng. Nhưng bạn không cũng lên post quá nhiều và quá xa rời thông điệp chính. Theo Buffer App, tần suất đăng bài lý tưởng nhất là 10 lần/tuần với Facebook, 5 tweet/ngày với Twitter và 1 lần/ngày với LinkedIn và Google+.
2. Quan trọng là khách hàng chứ không phải bạn: Phần lớn các thương hiệu chỉ sử dụng truyền thông xã hội để nhằm mục đích quảng cáo. Đây là một chiến lược sai lầm vì nó chẳng đem lại giá trị gì cho những người theo dõi.
Thay vì làm thế, bạn hãy tìm kiếm và chia sẻ những thông tin mà khách hàng của bạn quan tâm và thỉnh thoảng mới đưa nội dung quảng cáo của bạn vào.
3. Tương tác với những người theo dõi: Truyền thông xã hội là phương tiện để bạn tương tác với các khách hàng trong hiện tại và tương lai. Do đó, hãy tác động lên những người theo dõi và khiến họ cảm thấy họ là những thành viên vô giá của thương hiệu.  
Đừng ngại ‘gạch đá’ từ những cư dân mạng. Hãy đối diện với những lời chỉ trích và phàn nàn, coi đó là cơ hội để bạn thể hiện cho mọi người thấy dịch vụ khách hàng của mình tốt đến mức nào.
Cuối cùng, đừng che dấu thất bại. Doanh nghiệp của bạn là một doanh nghiệp mới và không thể tránh khỏi những khó khăn và hạn chế. Hãy đương đầu với thất bại, coi đó là cơ hội để bạn giành lấy thiện cảm của khách hàng qua dịch vụ khách hàng hoàn hảo và tầm nhìn dài hạn của mình.
4. Thử đầu tư một chút tiền cho các mạng xã hội: Có nhiều mạng xã hội cho phép bạn đầu tư quảng cáo và kết quả thu được sẽ tùy thuộc vào ngành mà bạn tham gia cũng như nội dung chào hàng của bạn. Hãy thử nghiệm các cách dưới đây để tìm cho mình cách phù hợp nhất.
•    Trả phí để chơi (pay-to-play): Facebook ngày càng trở thành một trang tính phí. Doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền quảng cáo cho trang này để có nhiều người dùng đọc được nội dung đăng tải của họ.
•    Tweet được tài trợ (Sponsored tweet): Mặc dù Twitter vẫn cho phép phần lớn tin đăng đến được với người dùng một cách tư nhiên nhưng trang blog mini này cũng bắt đầu có những chương trình quảng cáo cho doanh nghiệp và Sponsored tweet là một trong số đó. Chỉ cần trả tiền là tweet của doanh nghiệp sẽ lập tức có vị trí nổi bật trong dòng thông tin của người sử dụng.
•    Dịch vụ ‘premium’ (cao cấp) của LinkedIn: LinkedIn có rất nhiều tính năng cực kỳ hữu ích mà bạn phải trả phí để được sử dụng, trong đó có Sales Navigator. Sử dụng dịch vụ này bạn sẽ dễ dàng tìm được khách hàng cũng như địa chỉ liên hệ của họ. Điểm hay nữa của dịch vụ này là bạn có thể dùng thử miễn phí trong một tháng.
Nội dung là át chủ bài
Marketing  nội dung là một trong những công cụ đầu tư quan trọng nhất nhưng lại hay bị doanh nghiệp mới bỏ qua nhất.
Tại sao là marketing nội dung lại quan trọng đến thế? Bởi vì nó là phương tiện để truyền tải thông điệp của doanh nghiệp bạn. Nếu nội dung không rõ ràng và không thể hiện được thông điệp mà bạn muốn đưa ra, chắc chắn bạn sẽ rất khó thể thành công.
5. Nghĩ nghiêm túc về thông điệp của bạn: Bạn không nên marketing nội dung theo kiểu ném đủ mọi thông điệp lên tường của mình và xem cái nào bám trụ được. Để marketing nội dung hiệu quả, bạn nên nghiên cứu kỹ về ngành và tìm ra lợi thế cạnh tranh của mình. Sau đó, hãy lấy những lợi thế này làm tâm điểm cho thông điệp của bạn
6. Tìm nội dung giá rẻ và sáng tạo: Bạn không nhất thiết phải chi nhiều tiền mới có được nội dung sáng tạo. Các nội dung giá cả phải chăng và chất lượng cao luôn sẵn có trên các trang web như Elance, Craigslist hoặc Fiverr.
Ví dụ, trên Fiverr bạn có thể mua một video sinh động để giới thiệu về doanh nghiệp với giá chỉ bằng một phần rất nhỏ giá mua qua đại lý. Với một doanh nghiệp mới, không có gì tốt hơn là giới thiệu mình bằng một đoạn video ngắn. Nó sẽ giúp truyền đạt thông điệp của bạn đến khách hàng tiềm năng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Ngoài ra còn nhiều cách ít tốn kém khác để bạn có được nội dung hay. Bạn chỉ phải rót một khoản đầu tư nhỏ vào đó nhưng lại đạt được rất nhiều trong công cuộc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp mình.
7. Tối ưu hóa các trang nội bộ để biến người truy cập thành khách hàng: Bạn muốn người truy cập sẽ làm gì khi họ vào trang web của bạn? Toàn bộ chiến lược về nội dung của bạn phải được xây dựng xoay quanh trên câu hỏi này. Khi bạn xác định được là mình muốn người truy cập làm gì thì bạn sẽ tìm được những công cụ để đạt đến mục tiêu với chi phí hợp lý.
•    Tìm những plugin miễn phí để thu thập email và sau đó tận dụng các dịch vụ giá cả phải chăng như Mailchimp hay Constant Contact để gửi tài liệu tiếp thị một cách tự động.
•    Sử dụng các công cụ miễn phí như Google Analytics để theo dõi đường truy cập của khách viếng thăm và tìm cách để làm cho khách hàng có những trải nghiệm dễ chịu khi họ đang ở trên trang web của bạn
•    Tối ưu hoá các mẫu form mà bạn dùng để thu thập thông tin về người truy cập trên trang web của bạn và chuyển đổi họ thành khách hàng tiềm năng.
•    Tìm dịch vụ giỏ hàng rẻ và đáng tin cậy để bán sản phẩm trực tiếp qua trang web của bạn.
•    Bất kể mục tiêu của bạn là gì, luôn có những giải pháp giá rẻ hoặc miễn phí để bạn đạt mục tiêu đó.
8. Tự làm tiếp thị: Một trong những bước quan trọng nhất để làm marketing content hiệu quả là quảng bá nội dung. Sau khi bạn tạo ra phần nội dung giới thiệu hay, bạn cần phải khuếch trương nội dung đó càng nhiều càng tốt. Hãy đưa nó vào phần giới thiệu về bạn trên các mạng xã hội, gửi nó cho các chuyên gia trong ngành, đăng lên các diễn đàn ngành hay các nhóm có liên quan trên LinkedIn, cung cấp cho các trang web phổ biến khác mà người tiêu dùng có thể ghé thăm. Dành mỗi tuần một vài giờ để tiếp thị hoặc viết trên các trang mạng xã hội sẽ giúp doanh nghiệp bạn giành được sự quan tâm của khách hàng.
Điều hành một doanh nghiệp trong điều kiện ngân sách eo hẹp đã đủ khó. Nếu bạn có thể tiết kiệm tối đa chi phí tiếp thị bằng cách khai thác các công cụ marketing số, bạn sẽ làm nổi bật được thương hiệu mình mà không phải hy sinh một khoản lớn ngân sách.

Monday, September 7, 2015

Marketing trải nghiệm giúp Tribord bán áo phao thế nào?

Thương hiệu dụng cụ thể thao dưới nước Tribord đã tạo ra một loại đồ uống mới để nhắc nhở khách hàng về cảm giác khủng khiếp khi bị đuối nước. Nhờ đó, doanh số áo phao của Hãng cũng tăng lên.
Để nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của đuối nước và nhân tiện, bán thêm chút ít áo phao, thương hiệu dụng cụ thể thao dưới nước Tribord (Pháp) và PR Agency Rosa Park đã sáng tạo một thứ đồ uống mới lạ mang tên Wave.
Wave được đóng trong lon nhỏ, với kiểu dáng đẹp và tinh tế. Vỏ lon in logo màu bạc và tím duyên dáng. Gian hàng được đặt tại các khu vực bãi biển hoặc bến cảng với những nhân viên bán hàng trẻ trung, nhiệt huyết, không ngừng kêu gọi và phát những mẫu uống thử Wave miễn phí đến tận tay người tiêu dùng.
Mục đích của Tribord là để tất cả khách hàng đều phải phát biểu rằng: “Đây là thứ nước uống tồi tệ nhất trên thế giới!”, bởi thực chất Wave chỉ là nước biển được đóng chai.
Một khách hàng uống thử lon Wave
Các manh mối dần hiện ra khi người tiêu dùng nhìn kỹ hơn vào lon Wave. Trên mặt sau của lon, một câu khẩu hiệu được in rõ ràng: "Hãy để lon nước này là trải nghiệm cuối cùng của bạn về đuối nước". Lon nước cũng dành ra một vị trí cho hình ảnh của sản phẩm áo phao Tribord's Izebar 50 mới của Hãng để tạo ra sự liên tưởng hết sức gần gũi giữa cảm giác khủng khiếp của đuối nước và “bắt được phao cứu sinh”.
Tiết mục này dường như có vẻ giống một “trò đùa ác ý”. Tuy nhiên, dưới góc độ marketing, đây được xem như chiến dịch marketing trải nghiệm thông minh và thuyết phục. Tất cả người tiêu dùng đều nhất trí rằng cảm giác đuối nước không có gì là vui vẻ, và họ đã tự nguyện nhận ra tầm quan trọng phải sử dụng các dụng cụ phòng chống, cứu sinh nhờ những ngụm nước Wave từ Tribord.

Saturday, September 5, 2015

5 quyển sách hữu ích cho các nhà khởi nghiệp

5 quyển sách được gợi ý bởi những nhà sáng lập của các công ty thành công sau đây sẽ là lựa chọn lý tưởng cho các nhà khởi nghiệp, nhà báo Amy Guttman – người có kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực kinh tế – cho biết trên Forbes.
1. Khác biệt để bứt phá (Rework) của tác giả Jason Fried và David Heinemeier Hansson
Người đề xuất: Gabriel García – nhà đồng sáng lập công ty dịch vụ thư điện tử Mailtrack (Tây Ban Nha)
Thông điệp quan trọng nhất từ quyển sách này là: việc suy nghĩ và lên kế hoạch nên được giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định.
"Dĩ nhiên, vạch ra sẵn kế hoạch là công đoạn quan trọng, nhưng việc quan trọng hơn là thực hiện ý tưởng. Đối với những nhà khởi nghiệp, thông điệp này vô cùng ý nghĩa vì đơn giản là, nếu không bắt đầu hành động, bạn sẽ nhanh chóng bị 'nẫng tay trên'”.
2. Sức mạnh của thói quen (The Power of Habit) của tác giả Charles Duhigg
Người đề xuất: Ryan Hoover – nhà sáng lập, CEO của cộng đồng công nghệ Product Hunt (Mỹ)
Nhiều sản phẩm công nghệ thành công hiện nay thường có xu hướng muốn thay đổi thói quen của người dùng. Vì vậy, để tạo nên một sản phẩm/dịch vụ thành công, bạn buộc phải thấu hiểu cách mà người dùng suy nghĩ và hành động.
Sức mạnh của thói quen mang đến cho người đọc những kiến thức về tâm lý học con người để áp dụng vào trong cuộc sống, việc kinh doanh, đặc biệt là để tạo ra một sản phẩm/dịch vụ mới.
Việc tiếp thu và áp dụng những kiến thức trong quyển sách này đã giúp Ryan Hoover xác định được những giá trị cần thiết để sản phẩm của ông trở thành một phần thói quen của người dùng.
3. Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being) của tác giả Milan Kundera
Người đề xuất: Celine Lazorthes – nhà sáng lập, CEO của trang web cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến Leetchi.com (Pháp)
Celine Lazorthes đã đọc Đời nhẹ khôn kham đến 20 lần và cho rằng đây là quyển tiểu thuyết triết học có sức ảnh hưởng tuyệt vời đến cuộc sống và con đường kinh doanh của mình.“Quyển sách đề cập đến những mặt nhẹ nhàng cũng như nặng nề trong cuộc sống. Sự mâu thuẫn trong tư tưởng của các nhân vật về hai khái niệm trên giúp độc giả cảm nhận được sự nhẹ nhàng về mặt cảm xúc và cả sự nặng nề đến từ các nguyên tắc và giá trị”, Lazorthes cho biết.
Celine Lazorthes đã áp dụng nhiều nguyên tắc học được từ quyển sách này vào việc kinh doanh. “Những vấn đề về tình yêu, tình bạn, tư tưởng, tinh thần tự do… trong sách cũng chính là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến mọi doanh nhân khởi nghiệp. Bởi vì giống như mọi trí thức khác, mỗi doanh nhân cũng phải là một người có tố chất nghệ sĩ”, Lazorthes chia sẻ.
4. Startupland của tác giả Mikkel Svane
Người đề xuất: Cameron Adams – nhà sáng lập, CPO của nền tảng thiết kế đồ họa Canva (Úc)
Quyển sách này kể về hành trình của Mikkel Svane từ lúc sáng lập ra phần mềm chăm sóc khách hàng Zendesk cho đến khi đưa công ty lên sàn chứng khoán, bao gồm những lời khuyên về huy động vốn, tìm nhân sự phù hợp, chiến lược phát triển kinh doanh…Theo Cameron Adams, điểm đặc sắc nhất của Startupland là câu chuyện khởi nghiệp của tác giả được thể hiện một cách vô cùng chân thật, từ vấn đề công việc đến cuộc sống cá nhân, gia đình… Đồng thời, điều khiến độc giả bất ngờ là đôi khi những điều được tác giả đề cập hoàn toàn khác biệt với những gì mà chúng ta thường được tiếp cận về khởi nghiệp trên các phương tiện truyền thông.
Startupland là một câu chuyện truyền cảm hứng và có tác động mạnh mẽ đến quá trình khởi nghiệp kinh doanh của tôi”, Cameron Adams nói.
5. Four Thousand Days: My Journey From Prison To Business Success của tác giả Duane Jackson
Người đề xuất: Bram Kanstein – nhà sáng lập công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp Startup Stash (Hà Lan)
Bram Kanstein cho biết, quyển sách này hấp dẫn đến mức ông đã đọc nó liên tục trong một khoảng thời gian rất ngắn.Sau khi chấp hành án phạt tù, tác giả Duane Jackson của Four Thousand Days: My Journey From Prison To Business Success đã sáng lập ra công ty phần mềm kế toán Kashflow. Cách đây 2 năm, ông bán lại công ty với giá hàng triệu USD.
Câu chuyện cuộc đời của Jackson từ lúc còn ở trong sự bảo bọc của gia đình đến giai đoạn chịu cảnh tù tội và cuối cùng là tạo ra hàng triệu đô la sau 10 năm ra tù là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho mọi nhà khởi nghiệp, Bram Kanstein cho hay.

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Powerade Coupons