Trong cuốn sách “Start Your Own Business” của Entrepreneur Media đã
hướng dẫn bạn những bước đi căn bản để khởi nghiệp kinh doanh, cùng với
những phương pháp hữu ích giúp bạn đứng vững trong ba năm đầu tiên. Tuy
nhiên, kinh doanh không chỉ là việc đưa ý tưởng và đổ nhiều tiền vào
đó. Kinh doanh là một cuộc chơi khốc liệt, đòi hỏi người tham gia phải
có tầm nhìn và khả năng ứng phó với tình thế.
Hiện nay có hai thị trường cơ bản để bạn kinh doanh: khách hàng và
doanh nghiệp, với ranh giới được phân chia rất rõ ràng. Giả sử, bạn đang
định bán các sản phẩm thời trang phụ nữ tại một cửa hàng bán lẻ, thị
trường mục tiêu của bạn là khách hàng. Thay vào đó, nếu bạn muốn bán các
sản phẩm văn phòng phẩm, đồ dùng văn phòng, thị trường mục tiêu của bạn
là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu bạn điều
hành một công ty về dịch vụ in và thiết kế, bạn có thể tiến công ở cả
hai thị trường doanh nghiệp và cá nhân.
Tìm thị trường ngách giống như việc tìm trái táo xanh trong những trái táo đỏ
“Rất nhiều người đề cập đến việc tìm ra thị trường ngách như thể đó
là một khe nhỏ nằm dưới những tảng đá hoặc nằm cuối cầu vồng. Điều đó
thật vô lý.” Lynda Falkenstein, tác giả của Nichecraft đã chỉ ra điều
này. Thị trường ngách hay khe hở thị trường không tự nhiên xuất hiện
trước mắt bạn, để tìm ra chúng, bạn cần quá trình tìm kiếm cẩn thận.
Thay vì kiến tạo thị trường ngách, rất nhiều nhà kinh doanh đã rơi
vào bẫy thị trường khi cố gắng “phủ sóng” toàn bộ thị trường, cố gắng
đưa ra thật nhiều sản phẩm đến nhiều đối tượng khách hàng. Những doanh
nghiệp này rất nhanh chóng nhận được bài học đắt giá theo như Lynda
Falkenstein thì “ Trong kinh doanh, nhỏ hơn tức là lớn hơn, nhỏ hơn
không phải là việc xuất hiện tại tất cả mọi nơi, đó là việc tập trung
vào một điểm duy nhất.” Để tạo ra một thị trường ngách phù hợp, bạn cần
làm quen với quy trình bảy bước sau:
1. Tạo một danh sách
Với ý tưởng và mô hình kinh doanh dự kiến, ai sẽ là người bạn muốn
hợp tác làm việc? Hãy liệt kê thật chi tiết. Sau đó, tìm kiếm và nhận
dạng đặc điểm nhân khẩu và địa lý, mô hình kinh doanh hoặc chân dung
khách hàng mà bạn muốn hướng đến. Nếu bạn không biết sẽ hợp tác làm việc
với ai, bạn không thể làm quen và liên hệ với họ. Theo Lynda
Falkenstein “ Có một điều mà bạn cần nhớ, đó là bạn không thể bắt tay
làm ăn với tất cả mọi người”.
Không có công việc kinh doanh nào là phù hợp với tất cả mọi người.
Các tập đoàn đa ngành đa quốc gia đang ngày càng phát triển nhưng càng
định hướng rõ thị trường mục tiêu bao nhiêu bạn càng có cơ hội để phát
triển. Thị trường ngách chính là vũ khí để thành công dù bạn phải đối
đầu với những “ông lớn”. Walmart và Tiffany đều là những nhà bán lẻ,
nhưng họ đánh vào những thị trường ngách khác nhau, Walmart phục vụ cho
những khách hàng thích mua hàng giá bình dân, trong khi Tiffany tung ra
các sản phẩm cho nhóm khách hàng yêu thích trang sức.
Ngày nay, xu hướng phát triển là tập trung vào các khe hở nhỏ. Nếu
tập trung vào thanh thiếu niên thì chưa đủ cụ thể, bạn cần những bức
tranh cụ thể như khách hàng sẽ là thanh niên, sống tại Hà Nội cùng gia
đình, có thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên cùng nhiều thông tin
khác. Trong trường hợp bạn muốn bán phần mềm quản lý đến các doanh
nghiệp, thị trường này quá rộng và chắc chắn bạn sẽ không thể cạnh tranh
được. Do đó, điều đầu tiên là cần lập một danh sách chi tiết khách hàng
mục tiêu.
2. Tập trung, tập trung và tập trung
Luôn tập trung vào mục tiêu đã đặt ra
Xác định sản phẩm bạn muốn bán, và luôn nhỏ nhớ hai điều, thứ nhất
bạn không thể bán tất cả mọi thức đến tất cả mọi người, thứ hai nhỏ hơn
là lớn hơn. Thị trường ngách của bạn có thể không trùng với lĩnh vực mà
bạn hoạt động. Mảng kinh doanh bán lẻ thời trang không phải là một
ngách, đó là một lĩnh vực. Thị trường ngách có thể là thời trang đồ bầu
cho phụ nữ.
Để có thể tập trung vào tìm kiếm thị trường cho mình, Lynda Falkenstein đã nghiên cứu và tập hợp một số phương pháp hữu ích:
- Tạo một danh sách những gì bạn có thể làm tốt nhất và những kỹ năng bổ trợ
- Liệt kê đặc điểm nổi bật từ sản phẩm của bạn
- Liệt kê những kinh nghiệm, bài học kinh doanh hoặc quản lý mà bạn đã học được
- Tìm kiếm đối tác có thể hợp tác hoặc giải quyết các vấn đề phát sinh khi kinh doanh
Thị trường ngách của bạn sẽ được tìm thấy từ những bài học kinh
nghiệm và sở thích của bạn. Giả sử bạn đã làm việc 10 năm trong một công
ty tư vấn tài chính nhưng chỉ là một công ty nhỏ, theo mô hình hình gia
đình. Kinh nghiệm và bài học thực tế của bạn rất đáng giá và đó là lợi
thế mà không phải ai cũng có được. Khi quyết định kinh doanh, hãy tận
dụng lợi thế này để điều hành một doanh nghiệp tư vấn tài chính tập
trung vào những công ty nhỏ và quản lý theo mô hình gia đình. Tập trung
vào những gì bạn có, vào kinh nghiệm, vào kiến thức và luôn tập trung.
Xem thêm:
3. Nắm bắt tâm lý khách hàng
Khách hàng của bạn là ai giữa những người này?
Tâm lý khách hàng là điều mà bất kỳ nhà kinh doanh, quản lý nào cũng
muốn hiểu rõ nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng làm được
điều đó. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào những con số thống kê hay lịch sử
mua hàng từ các trang thông tin, bạn sẽ không bao giờ biết được khách
hàng muốn gì ở sản phẩm của mình. Khi bạn nhìn thế giới từ vị trí của
khách hàng tiềm năng, bạn sẽ cảm nhận được nhu cầu và mong muốn của họ.
Do đó, cách tốt nhất đề hiểu được khách hàng là trò chuyện và tìm hiểu
những vấn đề mà họ đang quan tâm.
4. Tổng hợp thông tin
Với giai đoạn thứ tư này, thị trường ngách của bạn bước đầu sẽ được
định hình từ thông tin mà bạn có về nhu cầu và mong muốn của khách hàng
với sản phẩm mới. Một thị trường ngách tiềm năng cần có năm yếu tố sau:
- Đáp ứng tầm nhìn dài hạn
- Khách hàng muốn mua sản phẩm
- Có thể vạch ra kế hoạch phát triển
- Chưa có đối thủ nào trong thị trường này
- Tiềm năng phát triển khả quan
5. Đánh giá
Một trong những giai đoạn quan trọng của tất cả các cuộc kiểm nghiệm
là việc đánh giá. Khách hàng cần đánh giá sản phẩm trước khi mua hàng,
doanh nghiệp cần đánh giá thị trường trước khi tung ra sản phẩm mới.
Với ý tưởng mới và thị trường mới như của bạn, đánh giá là một bước
rất cần thiết. Nếu thị trường đó không đáp ứng đủ năm yếu tố cần thiết
kể trên, dù bạn có cố gắng đầu tư phát triển, doanh nghiệp của bạn sẽ
không thể trụ được quá 2 năm. Giai đoạn đánh giá sẽ là bước đệm để tìm
ra câu trả lời cho việc thị trường ngách này có phù hợp với ý tưởng kinh
doanh của bạn hay không.
6. Thử nghiệm thị trường
Các thương hiệu mỹ phẩm thường đưa các mẫu thử để kiểm nghiệm thị trường
Ngay khi kết nối thị trường ý tưởng và sản phẩm, bạn cần thử nghiệm
nó. Khách hàng tiềm năng cần có cơ hội được mua sản phẩm hoặc trải
nghiệm dịch vụ từ công việc kinh doanh của bạn. Chính họ sẽ là những
giám khảo khách quan nhất cho sản phẩm và dịch vụ chứ không phải bạn.
Nếu không muốn tiêu tốn quá nhiều chi phí để sản xuất sản phẩm dùng thử,
bạn có thể đưa ra những mẫu thử nghiệm mini kèm bảng đánh giá hoặc điều
tra kết quả người dùng. Đừng chi quá nhiều tiền cho việc thử nghiệm thị
trường.
7. Phát triển thị trường
Đã đến lúc tung ra ý tưởng của bạn. Với rất nhiều người khởi nghiệp,
đây là giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, với những thông tin mà bạn có
được về nhu cầu khách hàng, thị trường, cùng việc đánh giá và thử
nghiệm, hãy đem sản phẩm của bạn đến với khách hàng ngay thôi. Thương
mại ngày càng phát triển, các ý tưởng ngày càng nhiều và mới lạ, các
công ty mọc ra như nấm sau mưa, nếu bạn còn ngần ngại, sẽ có người khác
nhanh chân hơn. Do đó, ngay khi chắc chắn các thông tin về thị trường
ngách phù hợp, hãy nhanh chóng trở thành người đầu tiên trong đó.
(Theo: http://www.entrepreneur.com/)