Saturday, October 22, 2016

Gia tăng giá trị sản phẩm

Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có một quan điểm bất biến là ông không bao giờ đầu tư vào những công ty không biết “làm giá”. Ông nói: “”Nếu công ty của bạn tăng giá sản phẩm mà không để vuột mất thị phần vào tay đối thủ cạnh tranh, điều đó có nghĩa là bạn đang sở hữu một doanh nghiệp tốt. Và nếu bạn phải cầu nguyện trước khi tăng giá 10%, công ty bạn đang vận hành thật tệ”. Có thể hiểu “làm giá” ở đây là biết cách gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình, từ đó tăng giá bán ra mà không làm mất đi khách hàng trung thành cũng như thị phần.
Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào đẹp hơn Việt Nam ta. Đất nước ta giàu và đẹp bởi tài nguyên thiên nhiên, ít nơi nào trên thế giới có được. Cho dù là một đất nước hiện đại như Singapore hay Hàn Quốc, bạn cũng sẽ cảm thấy nhàm chán bởi cảnh vật chẳng có gì thu hút, mọi thứ chỉ toàn là nhân tạo. Ấy vậy mà nước ta lại rất nghèo, những gì mà ta có thể bán cho thế giới chỉ là những sản phẩm thô, ít giá trị. Một bao cà phê Việt Nam bán đi chưa chắc đã mua nổi một ly cà phê Starbucks tại Mỹ. Hay tệ hơn, cà phê của chúng ta còn bị đổi bao bì, dán nhãn một thương hiệu nước khác để lưu thông trên thị trường quốc tế. Đối với một cá nhân kinh doanh, một doanh nghiệp hay một quốc gia, để giàu có nhanh chóng, không thể có chuyện quanh năm suốt tháng bán sản phẩm thô hay sức lao động cho người khác được. Bằng cách đưa hàm lượng chất xám vào sản phẩm, chúng ta sẽ nâng giá trị và giá bán của hàng hóa lên gấp nhiều lần, từ đó có thể thu tiền lời cao và làm giàu cho mình và đất nước. Vậy, có thể gia tăng giá trị sản phẩm bằng những cách nào? Theo tôi, có những cách chủ yếu sau:

Thứ nhất, cải tiến hình thức sản phẩm.

Bạn cho rằng chỉ cần nội dung, hình thức không quan trọng ư? Quan điểm ấy đã lạc hậu lắm rồi. Một chai rượu quê, về chất lượng có thể ngon hơn một chai Chivas 12, tuy nhiên, bạn sẽ trả giá bao nhiêu cho một chai Chivas và bao nhiêu cho một chai rượu quê? “Người đẹp vì lụa…”, đôi khi hình thức sản phẩm lại làm tăng giá trị của nó lên gấp nhiều lần, nhiều tới nỗi chính bạn cũng không tưởng tượng ra được.
Một hộp bánh nướng với bao bì đẹp có giá lên tới hơn 1 triệu đồng, trong khi đó, một chiếc bánh chỉ có giá vài chục ngàn bạc. Một hộp mứt để làm quà tặng bán với giá gần một trăm ngàn đồng ở sân bay có bao bì rất bắt mắt, nhưng nếu mua tại cửa hàng tạp hóa, bạn chỉ phải trả hơn chục ngàn cho loại mứt tương tự nhưng đựng trong túi bóng… Không phải chất lượng không quan trọng, nhưng đôi khi hình thức sản phẩm lại là yếu tố để khách hàng quyết định chi trả số tiền lớn hơn.

Thứ hai, gia tăng dịch vụ đi kèm sản phẩm.

Đối với một số sản phẩm cần bảo hành, tư vấn, việc kéo dài thời gian sử dụng hay miễn phí dịch vụ đi kèm cũng sẽ làm khách hàng đánh giá sản phẩm của bạn cao hơn. Ví dụ: Thương hiệu khóa Master Lock của Mỹ có giá bán gấp đôi, gấp ba sản phẩm tương tự trên thị trường nhưng bảo hành trọn đời; bán phần mềm Microsoft miễn phí cài đặt và nâng cấp….
Một số sản phẩm khác như cà phê, nước giải khát thì không gian thưởng thức đóng vai trò rất quan trọng tới giá cả. Một li cà phê bạn uống ở vỉa hè không thể so sánh với li cà phê uống ở Highland coffee, bên Hồ Tây được. Hay một bát phở bên đường cũng không thể sánh với bát phở thưởng thức trong một nhà hàng sang trọng, có dàn nhạc sống phục vụ… Chất lượng cà phê và bát phở có khi tương đương nhau, nhưng khung cảnh thưởng thức mang lại cho khách hàng cảm giác về sự sang trọng, phong cách hoặc trải nghiệm mà họ muốn có.

Thứ ba, cải tiến đặc điểm của sản phẩm.

Đôi khi, chỉ cần thay đổi một chút, sản phẩm của bạn đã trở nên khác biệt và có giá hơn rất nhiều. Bạn không tin ư? Hãy xem ví dụ dưới đây về cách mà Nike đã thực hiện để gia tăng giá trị sản phẩm của mình:
“Nike có một vài thủ thuật trên ống tay áo để khiến bạn nghĩ rằng một sản phẩm là “cao cấp” hơn. Một trong những thủ thuật này là gì? Chỉ cần thêm một lỗ chọc ngón tay cái- Sole Collector đưa tin.
“Bạn có niềm tin này, và bạn định giá nó vào những gì bạn tin rằng người tiêu dùng sẽ phải trả”, Jeanne Jackson- chủ tịch của Nike về phân phối và bán hàng, cho biết tại cuộc họp đầu tư của công ty.
“Một trong những thú vị đứng đầu là chúng tôi bất ngờ phát hiện ra rằng nếu một đỉnh có một cái lỗ bằng ngón tay ở trong đó, người tiêu dùng cảm nhận nó là một sự cao cấp. Vì vậy, chúng tôi đang nhận thêm thông tin khoa học về những gì các tính năng và lợi ích mà các người tiêu dùng sẽ cảm nhận như là giá trị đáng tiền hơn “, bà nói thêm.”
gia-tang-gia-tri-san-pham
Và một ví dụ nữa để biến một món hàng bình thường thành một món đồ trang trí xa xỉ:
“Trước đây, người tiêu dùng chỉ biết nhiều đến các sản phẩm thủy tinh như mặt bàn thủy tinh, ly, bình cắm hoa, chai lọ thủy tinh… Đầu tháng 12/04 vừa qua Công ty Anh Vũ Nguyễn đã tung ra dòng sản phẩm “lạ” là thủy tinh vẽ. Một gian hàng trưng bày sản phẩm thủy tinh vẽ xuất hiện tại Trung tâm thương mại Diamond Plaza và lúc nào cũng đông đúc khách hàng. Thoạt nhìn ai cũng nghĩ đây là một chất liệu mới có trên thị trường nhưng thật ra chỉ có cách làm của Công ty Anh Vũ Nguyễn là mới. Từ những sản phẩm thủy tinh có sẵn trên thị trường, Công ty Anh Vũ Nguyễn đã chọn mua sản phẩm đẹp, phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình, sau đó cho qua bàn tay “phù thủy” của những người thợ vẽ nên đã trở thành một dòng sản phẩm độc đáo có một không hai trên thị trường”.
Tất nhiên, theo tôi không phải ai cũng làm được điều này. Phải có óc sáng tạo, khiếu thẩm mỹ cũng như khả năng nắm bắt tốt nhu cầu của khách hàng mới có thể thực hiện việc “làm giá” này một cách thành công.
Còn một số cách tăng giá bán mà người mua vẫn chấp nhận như dựa vào quy luật cung cầu hoặc do nhu cầu cấp bách của người dùng như bán thuốc chữa bệnh, bán áo phao khi lũ lụt… Nhưng theo tôi đó không phải là gia tăng giá trị sản phẩm chân chính mà là hoạt động đầu cơ, thu lời trên nỗi đau của đồng loại.
Khách hàng chỉ chấp nhận rút hầu bao chi nhiều tiền hơn nếu sản phẩm của bạn có gì đó đặc biệt hơn các sản phẩm khác. Bằng cách thêm vào sản phẩm giá trị sử dụng, dịch vụ đi kèm… bạn có thể làm tăng giá trị hàng hóa lên gấp nhiều lần. Hãy suy ngẫm về điều này bởi của cải bắt nguồn từ trong suy nghĩ của mỗi chúng ta.

0 comments:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Powerade Coupons